Giở tài liệu, ghi bằng bút chì mờ, “ngụy trang” bằng bút không màu, ra
“ám hiệu” cho nhau đã quá xưa! Giờ có những hình thức gian lận tinh vi
cực kì, đến bạn còn khó tưởng tượng nữa là các thầy cô giáo.
Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất
Một
số bạn chép nội dung bài học lên chính... giấy kiểm tra của mình! Nghe
có vẻ quá lộ liễu nhưng thực chất họ chép bằng bút chì ở các mép của tờ
giấy, hoặc ghi ở mặt sau, "tinh vi" đến mức không thầy cô nào nhận ra
cả. Và nếu có thấy, giáo viên cũng không nghi ngờ gì vì cứ ngỡ rằng học
trò chỉ ghi vu vơ để ôn bài.
Kiểu chép kiến thức trên giấy kiểm
tra chỉ dành cho những bạn cần "nhắc tuồng". Tức là họ nhớ được câu đầu
thì nhớ hết bài học, còn không thì quên sạch, vì thế mới "cầu cứu" sự
trợ giúp từ những dòng chữ be bé ngăn ngắn trên giấy.
Ghi dưới bảng đen giáo viên!
Đó
là trường hợp "có 1 không 2" trong kì thi học kì 1 mà người viết từng
"mục sở thị". Chính vì cảm thấy "địa thế" thuận lợi (bàn đầu), nên T
(lớp 12) đã nảy ra "tối kiến": viết các cột mốc quan trọng trong lịch
sử ở phía dưới bảng đen, ngang tầm mắt bạn ấy! Nói là làm, giờ ra chơi,
trong sự ngỡ ngàng của cả phòng thi, T hì hục viết chi chít trên nền
tường màu vàng, và thử xem mắt mình có "nhạy" không.
Phân tích
cho thấy, nếu giáo viên có phát hiện thì T cũng chẳng hề hấn gì, vì cô
không có bằng chứng "buộc tội". Cô không phát hiện thì T "trúng mánh",
vì có giáo viên nào nghĩ rằng học trò chép phao ngay trên... vách tường
trước mặt đâu! Và quả đúng thật, giám thị không hề phát hiện có "phao"
ngay trước mặt mình!
Quay bằng... mp3!
Một số bạn nữ ngồi
bàn cuối tại trường T lại có một "phát minh": lấy tóc phủ một bên tai,
để tóc che hết phần tai đó và... gắn hearphone từ mp3 vào. Trong đó có
một file đã ghi âm từ trước. Mở file và nhấn nút "play", giọng nói của
chính chủ nhân chiếc mp3 sẽ được cất lên, chầm chậm đọc những nội dung
trong sách giáo khoa! Vì thế, họ tha hồ "nghe để chép", trong khi giáo
viên cứ tưởng học sinh này ngoan hiền, học bài thuộc nên viết như chưa
từng viết!
Ghi trong... ruột bút bi
Nghe có vẻ khó tin
nhưng người viết đã từng được kể lại. Một bạn đã chuẩn bị khá công phu
một "cái phao" cực nhỏ, khổ 5 x 5 (cm), mọi người hoàn toàn không đọc
được gì vì toàn những chấm li ti, vậy mà bạn ấy tuyên bố: "Chỉ cần tớ
đọc được là ok". Sau đó, bạn này sẽ... luồn tờ giấy vào trong cây bút,
đến giờ kiểm tra, thỉnh thoảng lại... "nghía" bút vài lần, đố thầy cô
nào nghi ngờ!
Quay bằng chân?
Kiểu này không mới, nhưng rất buồn cười.
Thường
thì những ai ngồi bàn cuối mới có thể dùng chiêu này. Họ đặt sách dưới
chân, dùng chân... lật từng trang. Khi giáo viên đi xuống thì sẽ đá
quyển sách không thương tiếc! "Số phận" quyển sách sẽ "yên vị" dưới một
"rừng chân" bảo vệ.
Đôi khi, thỉnh thoảng giáo viên lại nghe một
tiếng "phạch", kèm theo sau là tiếng cười khúc khích, họ cũng lơ mà
không biết rằng học sinh đang "quay bài".
Ngoài ra, còn có các
kiểu quay như: để hở cặp và luồn tập vào giữa, chép trên... bàn người
ngồi trên, chép trên bất cứ đồ dùng gì có... chỗ để chép...
Dù
bạn có "tinh vi" đến mấy đi nữa, thì về lâu về dài kết quả thật sự cũng
lộ ra. Bạn không thể "quay" suốt đời, và các thầy cô cũng dần "cập
nhật" được các kiểu quay do bạn "tối tạo" (chứ không phải sáng tạo).
Nêu ra ở đây không phải "vẽ đường cho hươu chạy", mà chỉ muốn gửi đến
các bạn một "thông điệp": Sự thiếu trung thực sẽ dần làm xói mòn nhân
cách, và các bạn chỉ mãi mãi đi vay mượn kiến thức và dựa vào những
"chiếc phao cứu sinh" mà thôi!
Theo Mực Tím